Thông tin Y khoa
VACXIN 5 TRONG 1 PENTAXIM PHÒNG NHỮNG BỆNH GÌ?
Vacxin 5 trong 1 là gì?
Vacxin dịch vụ 5 trong 1 Pentaxim được sản xuất tại Pháp bởi Công ty dược phẩm Sanofi Pasteur, thuộc Tập đoàn Sanofi-Aventis (Pháp).
Vacxin dịch vụ 5 trong 1 Pentaxim được sản xuất tại Pháp được đánh giá cao về độ an toàn và hiệu quả
Cùng là vacxin 5 trong 1, nhưng Pentaxim khác hẳn với các vacxin 5 trong 1 khác trong chương trình tiêm chủng mở rộng ở thành phần Ho gà. Trong vắc xin 5 trong 1 TCMR (Quinvaxem hoặc ComBE Five) chứa thành phần ho gà toàn tế bào (nghĩa là vắc xin tinh chế từ vi khuẩn ho gà sau khi được nuôi cấy tăng sinh trong môi trường và làm chết bằng nhiệt độ). Trong khi đó vacxin 5 trong 1 Pentaxim chứa thành phần ho gà vô bào (chỉ chứa thành phần kháng nguyên đặc hiệu sau khi đã loại bỏ những thành phần kháng nguyên không cần thiết khác của vi khuẩn) được đánh giá là lành tính hơn và hạn chế các phản ứng sau tiêm cho trẻ.
Chính vì thành phần ho gà vô bào được đánh giá là có phản ứng sau tiêm ít hơn cũng như ít sốt hơn nên các bậc phụ huynh có khuynh hướng chọn vacxin Pentaxim để tiêm phòng cho con.
Vacxin 5 trong 1 Pentaxim phòng ngừa những bệnh gì?
Điểm ưu việt của vắc xin phối hợp 5 trong 1 Pentaxim là ở chỗ: chỉ với 1 vacxin duy nhất, có thể bảo vệ trẻ nhỏ khỏi 5 bệnh: Ho gà, bạch hầu, uốn ván, bại liệt và các bệnh do HIB. 5 bệnh này đặc biệt nguy hiểm vì có thể dẫn đến những biến chứng nghiêm trọng, ảnh hưởng đến sức khỏe và tính mạng trẻ.
1. Bạch hầu
Bệnh bạch hầu là một trong những căn bệnh nhiễm trùng do vi khuẩn có tên là Corynebacterium diphtheriae lây từ người sang người qua đường hô hấp. Bộ Y tế khuyến cáo cha mẹ có con dưới 5 tuổi c cần đưa trẻ đi tiêm chủng đầy đủ các vắc xin phòng bệnh theo Thông tư 38/2017/TT-BYT “Quy định danh mục bệnh truyền nhiễm, phạm vi và đối tượng phải sử dụng vắc xin, sinh phẩm y tế bắt buộc”, có hiệu lực từ 1/1/2018 do Bộ Y tế ban hành ngày 17/10/2017.
Với hệ miễn dịch còn non nớt, bé dễ bị nhiễm các bệnh nguy hiểm, tiêm phòng là biện pháp hữu hiệu nhất để bảo vệ bé
* Triệu chứng bệnh:
Có khá nhiều triệu chứng xuất hiện trong 2 đến 5 ngày sau khi phơi nhiễm, ban đầu trẻ sẽ bị đau họng, ho và sốt kèm ớn lạnh. Các triệu chứng này ở trẻ và tăng dần từ nhẹ đến nặng hơn. Chính vì triệu chứng khá phổ biến nên cha mẹ dễ nhầm tưởng trẻ chỉ đơn giản đang bị cảm lạnh, chứ không phải đang phơi nhiễm với vi khuẩn bạch hầu.
* Diễn tiến bệnh:
Khi bệnh trở nặng, bên trong cổ họng và amidan bệnh nhi xuất hiện các lớp màng dày màu trắng xám, mọc thành từng mảng lớn, khiến trẻ bị tắc nghẽn đường hô hấp và ho khan.
Khi mắc bệnh, nếu bệnh nhi không được phát hiện và điều trị kịp thời sẽ dẫn đến viêm cơ tim, tổn thương hệ thần kinh, tử vong do đột ngột trụy tim mạch. Một số bệnh nhân bị viêm cơ tim và van tim, gây ra bệnh tim mãn tính và suy tim. Ngoài ra, bệnh cũng có thể dẫn đến thoái hóa thận, hoại tử ống thận, chảy máu lớp tủy và vỏ thượng thận.
Trường hợp bệnh nặng không có biểu hiện sốt cao nhưng có dấu hiệu sưng to cổ, khàn tiếng, khó thở, rối loạn nhịp tim, dẫn đến tê liệt hoàn toàn. Bệnh hoàn toàn có thể diễn tiến trầm trọng khiến người bệnh tử vong trong vòng 6-10 ngày.
* Cách phòng ngừa:
- Chích ngừa vắc xin là biện pháp tốt nhất để phòng bệnh Bạch hầu, trì hoãn chích ngừa vì bất cứ lý do gì sẽ khiến cho trẻ có nguy cơ mắc bệnh.
- Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng; che miệng khi ho hoặc hắt hơi; giữ vệ sinh thân thể, mũi, họng hàng ngày; hạn chế tiếp xúc với người mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh.
- Đảm bảo nhà ở, nhà trẻ, lớp học thông thoáng, sạch sẽ và có đủ ánh sáng.
- Khi có dấu hiệu mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh bạch hầu phải được cách ly và đưa đến cơ sở y tế để được khám, điều trị kịp thời.
- Người dân trong ổ dịch cần chấp hành nghiêm túc việc uống thuốc phòng và tiêm vắc xin phòng bệnh theo chỉ định và yêu cầu của cơ quan y tế.
2. Ho gà
Đây là một loại bệnh do trực khuẩn ho gà (Bordetella pertussis) truyền nhiễm, lây lan qua đường hô hấp do tiếp xúc trực tiếp với các dịch tiết từ niêm mạc mũi, họng của người bệnh khi ho, hắt hơi. Khả năng lây lan của bệnh cao, nhất là đối với những trẻ sinh hoạt trong cùng một không gian khép kín như trong nhà, trường học…
* Triệu chứng bệnh:
Khi nhiễm bệnh, triệu chứng ban đầu chỉ giống như cảm lạnh thông thường: trẻ có thể sốt nhẹ và xuất hiện ho khan, hắt hơi, chảy nước mắt, nước mũi. Ngoài ra trẻ còn có một số dấu hiệu như: chảy máu cam, xuất huyết kết mạc mắt hay bầm tím quanh mi mắt dưới.
* Diễn tiến bệnh:
Khi nhiễm bệnh, trẻ ho liên tiếp từng chặp 15-20 tiếng, không kìm được, lưỡi đẩy ra ngoài, tím tái, chảy nước mắt. Về sau tiếng ho yếu dần, chỉ thấy trẻ tím tái do ngừng thở. Sau cơn ho, trẻ bơ phờ mệt mỏi, nôn, vã mồ hôi, thở nhanh, mặt phù nề và mi mắt phù mọng. Ngoài ra trẻ còn bị nôn mửa nhiều đờm, đặc quánh và đặc biệt còn xuất hiện những cơn ngừng thở ngắn kèm tím tái; tình trạng này kéo dài hàng tuần khiến bé phải nhập viện. Với trẻ dưới 1 tuổi, trẻ có thể không bị ho, nhưng thở rít và ngừng thở.
* Cách phòng ngừa:
- Chích vắc xin phòng bệnh ho gà cho trẻ là biện pháp đạt hiệu quả phòng bệnh cao nhất: lên tới 90% do đó cha mẹ hãy đưa trẻ đi tiêm chủng tiêm vắc xin phòng bệnh ho gà đầy đủ, đúng lịch.
- Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng; che miệng khi ho hoặc hắt hơi; giữ vệ sinh thân thể, mũi, họng cho trẻ hàng ngày.
- Đảm bảo nhà ở, nhà trẻ, lớp học thông thoáng, sạch sẽ và có đủ ánh sáng.
- Khi có dấu hiệu mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh ho gà trẻ phải nghỉ học, cách ly và đưa đến cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời.
3. Uốn ván:
Uốn ván là một loại bệnh nguy hiểm, nguy cơ tử vong rất cao. Bệnh uốn ván (Tetanus) là một bệnh cấp tính do ngoại độc tố (Tetanus exotoxin) của vi khuẩn uốn ván (Clostridium tetani) phát triển tại vết thương trong điều kiện yếm khí.
* Triệu chứng bệnh:
Các triệu chứng của bệnh được biểu hiện là những cơn co cứng cơ kèm theo đau, trước tiên là các cơ nhai, cơ mặt, cơ gáy và sau đó là cơ thân. Trẻ sơ sinh bị uốn ván sơ sinh vẫn bú và khóc bình thường trong 2 ngày đầu sau sinh (bệnh xuất hiện vào ngày thứ 3 đến ngày thứ 28 sau khi sinh) sau đó không bú được, co giật, hầu hết trẻ thường tử vong.
* Diễn tiến bệnh:
Thời gian ủ bệnh thường trong khoảng 3 đến 10 ngày nhưng cũng có thể tới 3 tuần. Thời gian ủ bệnh càng ngắn thì nguy cơ tử vong càng cao. Ban đầu người bệnh sẽ có những cơn co cứng cơ và đau dữ dội, thường bắt đầu ở hàm và sau đó từ từ tiến tới phần còn lại của cơ thể, kéo dài vài phút. Những cơn co thắt này có thể nghiêm trọng đến nỗi khiến trẻ co gồng đến gãy xương. Trẻ bị bệnh uốn ván cũng có thể bị sốt, đổ mồ hôi, nhức đầu, khó nuốt, cao huyết áp và nhịp tim nhanh, gấp.
Trẻ mắc bệnh có thể mất vài tháng để hồi phục hoàn toàn, và đáng sợ là 10% số bệnh nhi uốn ván sẽ tử vong.
* Cách phòng ngừa:
- Chích ngừa vắc xin là biện pháp tốt nhất để phòng bệnh uốn ván.
- Nếu trẻ bị trầy xước, đâm vào đinh, sắt, cát, bụi bẩn… cần xử lý sạch vết thương ngay, sau đó đến bệnh viện để khám và điều trị đề phòng uốn ván.
- Giữ vệ sinh sạch sẽ vết thương tránh nhiễm trùng đề phòng hoại tử…
4. Bại liệt
Bệnh bại liệt (Poliomyelitis) là một căn bệnh đáng lo ngại cho tới khi các nhà khoa học đưa ra vắc xin bại liệt để loại trừ căn bệnh này. Bại liệt là một bệnh nhiễm vi rút cấp tính lây truyền theo đường tiêu hóa và đường hô hấp do vi rút Polio gây nên, một số trường hợp nặng có thể dẫn tới tử vong. Trẻ nhỏ thường là những đối tượng hay bị mắc căn bệnh này nhất.
* Triệu chứng bệnh:
Khi nhiễm vi rút, trẻ thường không có hoặc có rất ít triệu chứng nên cha mẹ rất chủ quan. Trẻ có thể sốt nhẹ, nhức đầu, nôn ói kéo dài vài ngày, sau đó hồi phục hoàn toàn. Một số ít trẻ có hội chứng viêm màng não như sốt, đau đầu dữ dội, cứng cổ, lưng, đau cơ, có khi co giật cơ. Đôi khi bệnh diễn biến nặng sau vài giờ dẫn đến liệt hai chân và nửa thân dưới, nếu tổn thương lan đến thân não sẽ gây khó nuốt, khó thở và tử vong.
* Diễn tiến bệnh:
Cơ chế gây bệnh của vi rút Polio khá phức tạp, sau khi đi vào cơ thể sẽ đến hạch bạch huyết, tại đây một số ít vi rút Polio xâm nhập vào hệ thống thần kinh trung ương gây tổn thương ở các tế bào sừng trước tủy sống và tế bào thần kinh vận động của vỏ não, gây ra sự yếu cơ khiến bệnh nhi không có khả năng di chuyển. Diễn biến này xảy ra rất nhanh chóng, đôi khi trong vòng vài giờ, chủ yếu liên quan đến chân, nhưng nó có thể ảnh hưởng đến đầu, cổ và cơ hoành của bệnh nhi.
* Cách phòng ngừa:
- Tuy bệnh nguy hiểm nhưng có thể đề phòng dễ dàng bằng cách chích ngừa. Trẻ được chích đủ liều sẽ không bị mắc bệnh nữa.
- Người chăm sóc trẻ cần thường xuyên rửa tay với xà phòng, đặc biệt là khi cho trẻ ăn, sau khi đi vệ sinh.
Thường xuyên lau sạch các bề mặt, vật dụng, đồ chơi, dụng cụ học tập, bàn ghế, sàn nhà bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa. - Đảm bảo an toàn thực phẩm, sử dụng nguồn nước sạch, nhà tiêu hợp vệ sinh, không phóng uế ra môi trường. Phân của trẻ em cũng phải được thu gom và đổ vào nhà tiêu hợp vệ sinh.
- Khi trẻ có dấu hiệu sốt, buồn nôn, cứng gáy, đau chi và cơ bắp hoặc liệt mềm cấp đưa trẻ đến ngay các cơ sở y tế gần nhất để được khám, tư vấn và điều trị kịp thời.
5. Bệnh do vi khuẩn Haemophilus Influenzae Loại b (Hib)
Vi khuẩn Hib gây viêm phổi, viêm màng não mủ thường gặp nhất ở trẻ từ 6 tháng đến 2 tuổi và dễ để lại di chứng về thần kinh vĩnh viễn, nhiễm trùng máu, viêm phổi, viêm thượng vị và viêm màng não do vi khuẩn.
* Triệu chứng bệnh:
Bệnh thường khởi phát với các triệu chứng nhiễm khuẩn đường hô hấp trên với các biểu hiện ban đầu như: sốt cao trên 39 độ C (cũng có trường hợp không sốt cao), chảy nước mũi, ho… Trong một số trường hợp, trẻ còn có dấu hiệu tiêu chảy. Ở một số trẻ có thể xuất hiện các dấu hiệu rối loạn tri giác, thị giác như trẻ quấy khóc nhưng ánh mắt nhìn vô cảm, nhiều trẻ bị nôn trớ, bú ít, bỏ bú, li bì… Một số trẻ còn có thể kèm theo tiêu chảy, nặng hơn, trẻ có thể bị co giật, lơ mơ, hôn mê…
* Diễn tiến bệnh:
Trẻ bị bệnh viêm màng não nếu không được điều trị kịp thời có thể để lại những di chứng nặng nề về thần kinh, khiến trẻ bị điếc, trí tuệ sa sút, mất khả năng học tập, khó khăn khi vận động… Tỷ lệ tử vong có thể từ 5-10% đối với những trẻ bị viêm màng não do Hib.
* Cách phòng ngừa:
- Cha mẹ cần lưu ý cho trẻ tiêm đúng lịch, đúng mũi để tránh nguy cơ mắc bệnh và các biến chứng nguy hiểm.
- Bên cạnh biện pháp tiêm vắc-xin để phòng bệnh, mỗi gia đình cần tăng cường vệ sinh cá nhân và môi trường sống.
Là những căn bệnh cực kỳ nguy hiểm, nỗi ám ảnh của hàng triệu người, gieo rắc hàng triệu cái chết mỗi năm đặc biệt là ở trẻ nhỏ. Đa phần 5 căn bệnh trên đều không sinh ra miễn dịch sau khi mắc bệnh, vì vậy việc tái nhiễm bệnh là rất cao. Tiêm vacxin là biện pháp phòng bệnh duy nhất và hữu hiệu nhất cho trẻ
Bất kỳ phụ huynh nào cũng mong muốn con mình có sức khoẻ tốt, không ốm đau bệnh tật, sống vui vẻ hạnh phúc… Muốn làm được điều đó, chúng ta cần phải cố gắng tích cực, chủ động phòng chống dịch bệnh. Cách đơn giản, tiện lợi nhất chính là tiêm vắc xin phòng bệnh.
Hiện tại, để phòng ngừa 5 bệnh trên, phụ huynh có thể chọn các loại vắc xin cộng hợp, giúp bé giảm số mũi tiêm, đồng nghĩa với việc hạn chế đau đớn cho bé khi phải chích quá nhiều mũi.
Vắc xin 5 trong 1 Pentaxim là một lựa chọn được nhiều phụ huynh tin tưởng. Pentaxim giúp phòng ngừa 5 bệnh nguy hiểm hàng đầu đối với trẻ nhỏ, bao gồm: Ho gà, bạch hầu, uốn ván, bại liệt và các bệnh do vi khuẩn Haemophilus Influenzae týp B. Đây là loại vắc xin kết hợp phòng được nhiều bệnh trong cùng một mũi tiêm, đang được lưu hành tại Việt Nam.